(Dịch lại từ sách: Essentials of Anatomy and Physiology, Fifth Edition)

Một trong những thủ thuật cấp cứu đơn giản và quen thuộc nhất là truyền máu. Tuy nhiên, như bạn đã biết, máu của người cho không phải lúc nào cũng tương thích với người nhận. Hệ nhóm máu ABO đã được khám phá vào những năm 1900 bởi Karl Landsteiner, một người Mỹ gốc Áo. Ông cũng góp phần vào việc tìm ra yếu tố Rh vào năm 1940. Trong những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước, Charles Drew, một người Mỹ gốc Phi, đã phát triển kỹ thuật để lưu trữ huyết tương để sử dụng cho bệnh nhân với bất kì nhóm máu nào. Ngày nay, khi chúng ta hiến máu, máu của chúng ta có thể được đưa đến với người nhận dưới dạng máu toàn phần, hoặc cũng có thể được phân tách ra thành các thành phần cần thiết cho người nhận, như hồng cầu, huyết tương, yếu tố đông máu thứ 8, hay tiểu cầu. Mỗi thành phần này có một chức năng riêng biệt, và tất cả các chức năng này là thiết yếu cho sự sống.
Chức năng chung nhất của máu là vận chuyển, hằng định nội môi và bảo vệ cơ thể. Các thành phần được vận chuyển trong máu bao gồm chất dinh dưỡng, sản phẩm bài tiết của tế bào, khí, và các hormone. Máu giúp cân bằng điện giải trong cơ thể, thăng bằng toan kiềm, và điều nhiệt cơ thể. Bạch cầu bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh, và tiểu cầu giúp hình thành cơ chế đông máu, ngăn chặn mất máu số lượng nhiều sau khi bị chấn thương. 


1. Các tính chất của máu

 Máu có một số tính chất vật lý sau đây:
Số lượng: Một người có khoảng 4 đến 6 lít máu, tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể. Trong đó, 38% đến 48% thể tích là các loại tế bào máu. Phần còn lại, 52% đến 62% thể tích máu là huyết tương, phần dịch của máu (xem hình 1). 
Màu sắc: có lẽ bạn đang nghĩ "Dĩ nhiên máu có màu đỏ". Điều đó đúng, tuy nhiên, màu đỏ đó có thể đa dạng. Máu động mạch có màu đỏ tươi bởi vì nó chứa nhiều oxy. Máu tĩnh mạch, vì đã cho đi một lượng lớn oxy, nên có màu đỏ thẫm. Điều này rất quan trọng trong việc đánh giá nơi chảy máu. Nếu máu chảy ra có màu đỏ tươi, có thể đã có một động mạch bị tổn thương, và nếu máu có màu đỏ thẫm, có thể đó là máu tĩnh mạch.
pH: pH của máu dao động từ 7,35 tới 7,45 , mang tính kiềm nhẹ. Máu tĩnh mạch thường có pH thấp hơn máu động mạch vì sự hiện diện của nhiều carbon dioxide.
Độ nhớt: máu sệt hơn nước từ 3 đến 5 lần. Độ nhớt được tăng cường bởi sự hiện diện của nhiều tế bào máu và protein huyết tương, và độ sệt này cũng góp phần vào áp suất bình thường của máu.

2. Huyết tương

Huyết tương là phần dịch lỏng của máu, trong đó nước chiếm khoảng 91%. Vì thế, dung môi này có khả năng hòa tan khá nhiều loại chất tan trong nước. Chất dinh dưỡng được hấp thu tại ống tiêu hóa, như glucose, acid amin và khoáng chất, được máu đưa đi đến tất cả các mô trong cơ thể. Các sản phẩm bài tiết của tế bào, như ure và creatinine, được máu vận chuyển đến thận và thải qua nước tiểu. Các hormon do các tuyến nội tiết tiết ra được vận chuyển trong huyết tương đến các cơ quan đích.Các kháng thể cũng được huyết tương vận chuyển. Phần lớn CO2 tạo ra bởi tế bào cũng được vận chuyển bởi huyết tương dưới dạng ion bicarbonate (HCO3-). Khi máu tới phổi, CO2 sẽ được tái lập lại, khuếch tán vào phế nang và sau đó thở ra.
Một thành phần khác của huyết tương là protein huyết tương. Các yếu tố đông máu như prothrombin, fibrinogen, và một vài chất khác được tổng hợp ở gan và ở trong vòng tuần hoàn cho đến khi được kích hoạt để tạo thành cục máu đông. Albumin là thành phần chủ yếu của protein huyết tương. Nó cũng được tạo ra ở gan. Albumin góp phần vào áp suất keo của máu, giúp kéo nước từ mô vào mao mạch. Điều này rất quan trọng trong việc giữ ổn định thể tích và áp suất máu. Một loại protein khác trong huyết tương là các globulin. Alpha globulin và beta globulin được tạo ra ở gan, đóng vai trò như là các chất mang cho các phân tử khác, như mỡ. Các gamma globulin là các kháng thể được tạo ra bởi tế bào lympho. Các kháng thể tạo nên đáp ứng miễn dịch, hủy diệt các mầm bệnh trong cơ thể.
Huyết tương cũng có vai trò điều nhiệt. Nhiệt năng là sản phẩm phụ của hô hấp tế bào (sự sản xuất ATP trong tế bào). Máu được làm ấm khi chảy qua các cơ quan đang hoạt động hô hấp như gan và cơ. Sau đó, lượng nhiệt này sẽ được phân chia lại cho các cơ quan có nhiệt độ thấp hơn trong cơ thể khi máu đi đến các cơ quan đó.


Hình 1. Các thành phần của máu và sự liên hệ của mô máu với các loại mô khác.


Xem tiếp

SINH LÝ MÁU - PHẦN 2 (ESSENTIALS OF ANATOMY AND PHYSIOLOGY)


4 comments Blogger 4 Facebook

  1. ad có bản dịch hết sách không ạ?

    ReplyDelete
  2. bữa trường cao đẳng dược tp hcm https://duocsaigon.com.vn/ có thực hành xét nghiệm nhóm máu, giờ mình đã biết phân biệt nó rồi há há

    ReplyDelete

 
Cùng Học Y © 2016. All Rights Reserved. Powered by Cùng Học Y
Top