Thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam liên tục chia sẻ câu chuyện bác sỹ Ngô Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm khoa phẫu thuật thần kinh 2, Bệnh viện Việt Đức, đồng thời là quản trị trang Diễn đàn bác sỹ Nội trú.
Theo đó, trong một lần dừng đèn đỏ, bác sỹ Hùng nghe được cuộc hội thoại của 2 cô gái trên đường phàn nàn về ngành y, về nghề bác sỹ; quá buồn vì nghề nghiệp của mình không được tôn trọng, vì một số đồng nghiệp quên đi lời thề Hypocrat, bác sỹ Hùng đã chia sẻ tâm sự của mình trên trang facebook cá nhân.
Cùng Học Y xin đăng tải những lời giãi bày tâm can của một bác sỹ đam mê với nghề, có tấm lòng với bệnh nhân.
Trên trang cá nhân bác sỹ Hùng nói, 'thứ tôi ám ảnh nhất không phải máu không phải vết thương của người đang nằm trên cáng, mà là những giọt nước mắt của người nhà bệnh nhân, khóc vì thương người thân, khóc vì bất lực sẽ lấy đâu ra tiền làm phẫu thuật'.
Một ca phẫu thuật tại BV Việt Đức (ảnh minh họa)
"Hôm nay, trong lúc dừng đèn đỏ ở Nguyễn Chí Thanh tôi có vô tình nghe được một câu chuyện của hai cô gái đi bên cạnh:
- Bố mày đã đỡ chưa?
- Cũng ổn hơn nhiều rồi mày ạ.
- Ừ thời bây giờ, đúng là chỉ cần có tiền là có tất cả, cứ đút tiền cho căng họng mấy thằng bác sỹ thì sẽ được chăm sóc như ông hoàng thôi, chỉ tội cho mấy người nghèo, không có tiền bọn nó coi cho chả ra chó gì. Y đức gì, thất đức thì có.
Cũng giống như hàng ngàn câu chuyện khác mà người ta nói với nhau để giết thời gian cho những lúc dừng đèn đỏ. Thế nhưng khi nghe đến cụm từ bác sỹ tôi mới bắt đầu chú ý đến hai người bên cạnh. Câu nói của cô gái thứ nhất làm tôi thực sự suy nghĩ, tôi suy nghĩ về con đường nói đúng hơn là vì cái nghiệp mà mình đã bao lâu trăn trở lựa chọn và hy sinh cho nó.
Điều đầu tiên tôi phải khẳng định. Đúng! Chúng tôi làm việc tất nhiên vì tiền. Sẽ chẳng có người bán hàng nào vì tôi là bác sỹ mà không lấy tiền bỉm tiền sữa của con tôi.
Cũng chẳng có một siêu thị nào sử dụng thẻ hành nghề bác sỹ của tôi thay cho việc trả tiền bằng thẻ ngân hàng. Mọi thứ trong cuộc sống của tôi, cũng giống như các bạn, đều được thanh toán bằng tiền.
Thế nên tiền đối với tôi thực sự quan trọng. Chỉ khác nhau một điều là các bạn kiếm tiền từ việc kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn… còn tôi đang sử dụng chất xám của mình để kinh doanh, và bạn biết đấy bất cứ ai kinh doanh cũng đều mong thu về lợi nhuận.
Nói như vậy, không có nghĩa tôi đồng tình với việc kiếm tiền bằng mọi cách, kiếm tiền một cách bất nhân trên chính đồng loại của mình.
Tôi cũng biết bạn nữ trong câu chuyện tôi kể bên trên không phải tự nhiên mà có những suy nghĩ như vậy, chắc chắn bạn đã phải chứng kiến được cách hành xử thiếu nhân văn của một vị bác sỹ nào đó, những con người đang cùng chung sứ mệnh nghề nghiệp giống như tôi.
Ngày nay khi truyền thông phát triển, chuyện của một người bỗng nhiên trở thành câu chuyện của nhiều người, trên bất cứ phương tiện truyền thông nào bạn cũng có thể tiếp xúc với những thông tin đang diễn ra hàng ngày.
Chuyện về những bác sỹ vì đồng tiền mà chèn ép người nhà bệnh nhân, chuyện về những em bé chết sau tiêm vacxin, thiếu nữ gãy xương phải cưa đôi chân của mình, chuyện về những hành vi ứng xử thiếu nhân văn trong bệnh viện nơi mà những con người cần nhất là sự sẻ chia và tình thương. Phải chăng chính những câu chuyện đó làm bạn mất niềm tin vào chúng tôi?
Khi nghe câu chuyện của hai bạn nữ tôi thấy buồn nhiều hơn tức giận, tôi buồn về nghề nghiệp của mình không được tôn vinh, buồn vì chúng tôi là người phục vụ cộng đồng mà lại không nhận được sự tin tưởng từ họ.
Và hơn hết tôi buồn vì chính những người đồng nghiệp của tôi khi họ quên đi lời thề đầu tiên khi chúng tôi bước chân vào giảng đường đại học, lời thề Hypocrat.
Nhưng các bạn ạ ở đâu cũng có người này người nọ, môi trường nào cũng có người hoàn thiện người chưa. Xin các bạn đừng đem một số cá nhân chưa tốt để đánh đồng tất cả chúng tôi phủ nhận sự cố gắng nỗ lực của chúng tôi. Ngoài kia mỗi ngày đang có hàng ngàn người được cứu sống nhờ tài năng và sự tận tâm của các bác sỹ.
Có rất nhiều người nghĩ bác sỹ rất giàu. Đôi lúc tôi cũng thấy xót xa trước những lời mà các bạn dành tặng nhưng có một sự thật thì bác sỹ không hề giàu như các bạn nghĩ.
Tôi có vài người quen, họ ra trường đi làm một công việc bình thường với mực lương 4-5 triệu một tháng, một vài người học chưa hết cấp 3 họ đi làm công ty SamSung với mức lương hơn 10 triệu.
Còn bản thân tôi sau khi đi làm mười năm ở một bệnh viện lớn, mức lương tôi nhận được đó sống ở Hà Nội với một gia đình gánh trên vai thì chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng với những gì chúng tôi cống hiến, chúng tôi có thể yên tâm làm việc mà không lo đến vấn đề cơm áo gạo tiền?
Chính vì nguyên nhân đó nên chúng tôi đều phải nỗ lực kiếm tiền có điều nhiều người lựa chọn cách kiếm tiền dựa trên sự ức hiếp với đồng loại của mình, những người đó làm cho các bạn thiếu thiện cảm với nghề bác sỹ chúng tôi.
Nhưng tại sao các bạn không công nhận một điều không phải bác sỹ nào cũng thế? Tại sao các bạn chưa từng ghi nhận sự nỗ lực của chúng tôi.
Các bạn biết không? Khi còn là sinh viên lúc các bạn khác đang tận hưởng quãng đời tự do tươi đẹp thì chúng tôi đang mài đít trên giảng đường đại học, tất bật với hàng trăm kỳ thi.
Khi các bạn hẹn hò người yêu thì chúng tôi đang miệt mài trên thư viện hay đang ghi chép trong nhà xác. Sau bốn năm các bạn ra trường có việc làm, lấy vợ gả chồng thì chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục với sự nghiệp học hành.
Khi tôi ra trường có khi các bạn đã 1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh. Còn tôi lại tiếp tục với kỳ thi nội trú. Khi các bạn ở nhà bên gia đình vui vẻ hạnh phúc là lúc tôi đang một mình bon chen ở một đất nước xa lạ cách các bạn nửa vòng trái đất. Tất cả vì cái gì?
Vì để có kiến thức, có kỹ năng mà hiện tại tôi đang dùng nó để phục vụ chính các bạn. Những kiến thức ấy đổi bằng tuổi trẻ của tôi bằng sự vất vả kiếm tiền của gia đình tôi.
Tôi có nghe một câu chuyện thế này. Có một cậu bé bị hỏng xe loay hoay mãi không sửa được, cậu ấy mới mang ra nhờ ông già sửa xe đầu ngõ, ông chỉ dung một cái búa gõ nhẹ đã chữa xong.
Cậu bé không phục vì chỉ một cái gõ búa mà ông ấy lấy của mình 30 nghìn. Nhưng các bạn ạ để có một cái gõ búa ấy là một quá trình ông già học hỏi bao nhiêu năm tích lũy bao nhiêu kinh nghiệm để có được. Đừng nhìn vào những gì người ta làm, hãy nghĩ người ta cô gắng bao nhiêu để làm được như vậy.
Hàng ngày ở bệnh viện tôi chứng kiến bao nhiêu cảnh sinh ly tử biệt, chúng tôi hiểu mạng sống và sức khỏe trân quý thế nào, cho nên tôi và những đồng nghiệp bên cạnh tôi luôn nỗ lực mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe mọi người.
Có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ cứ vào bệnh viện là bệnh nhân phải đút tiền, vậy thì các bạn cũng nhầm. Tôi đã làm việc ở đây hơn 10 năm, thứ tôi ám ảnh nhất không phải máu không phải vết thương của người đang nằm trên cáng, mà là những giọt nước mắt của người nhà bệnh nhân, khóc vì thương người thân, khóc vì bất lực sẽ lấy đâu ra tiền làm phẫu thuật.
Tôi có tính cẩn thận cho nên trước mỗi ca mổ tôi luôn gặp người nhà bệnh nhân để thông báo rõ ràng về tình trạng của bệnh nhân. Nhưng khi nhận được điện thoại họ lại luôn tìm cách trốn tránh vì nghĩ rằng bác sỹ gọi vào để bắt đưa tiền.
Tôi đã từng phải giải thích hàng ngàn lần với người nhà bệnh nhân rằng họ sẽ không cần đưa cho tôi một đồng tiền nào mà tôi vẫn đảm bảo làm hết sức cứu chữa cho người thân của họ. Và tôi biết rất nhiều bác sỹ trong bệnh viện của tôi cũng tận tình như thế.
Nhưng tư tưởng đó của người dân hình thành do đâu là họ đang nhầm lẫn giữa cảm ơn và hối lộ. Họ nghe người này người kia nói phải đưa tiền rồi quy chụp cái việc đó do bác sỹ đưa ra.
Làm bác sỹ đã có đủ thứ áp lực rồi, tôi chỉ mong các bạn có thể thấu hiểu và chia sẻ với chúng tôi. Hai ngành mà được một số người dành tặng những lời khiếm nhã nhiều nhất là công an và bác sỹ, bởi chúng tôi là những người phục vụ cộng đồng chẳng khác gì làm dâu trăm họ, làm tốt thì không sao chả ai nhớ tới vì mọi người cho rằng đấy là trách nhiệm của chúng tôi, làm sai sót một chút thì “ tiếng thơm” gắn với muôn đời.
Có nhiều bạn cho rằng bác sỹ là những người khó gần tự cao tự đại, không bao giờ thấy nét mặt hòa nhã vui vẻ. Vậy bạn đã bao giờ thử tưởng tượng ra những áp lực mà chúng tôi đang gánh trên vai mỗi ngày chưa ạ?
Tại sao một số bạn lại quy chúng tôi thành người của công chúng khi xuất hiện luôn phải tươi tắn mỉm cười, chỉ cần một chút cau có sẽ biến thành thái độ hành xử không đúng đắn với người nhà bệnh nhân.
Bạn vào bệnh viện chăm người ốm một ngày đã thấy khó chịu vì không khí ngột ngạt, mùi thuốc, mùi cồn. Còn tôi gắn bó với môi trường ấy mỗi ngày trong suốt 10 năm qua và sẽ còn phải tiếp tục trong nhiều năm sau nữa.
Hãy thử tưởng tượng bạn đứng nguyên một tư thế trong 10 tiếng đồng hồ để thực hiện một ca mổ. Bạn ăn cơm trưa vào lúc 2h30 chiều, có mặt ở bệnh viện vào 7h sáng, tan ca về nhà lúc 7h tối liệu bạn có đủ năng lượng để cười không.
Là bác sỹ là người đưa ra giờ giấc sinh hoạt khoa học nhưng vì phục vụ các bạn mà giờ giấc của chúng tôi nó khoa học một cách lộn xộn như thế. Bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp con mình đang ốm ở nhà mà nửa đêm phải phi đến bệnh viện vì có một em bé con nhà người khác đang cần cấp cứu hay chưa?
Chưa kể mỗi ngày chúng tôi nhận vài chục cuộc điện thoại vào bất cứ khoảng thời gian nào, nửa đêm hay sáng sớm. Trong lúc các bạn đang ở nhà ôm vợ/ chồng thì chúng tôi đang ngồi trực đêm ở bệnh viện.
Ở đây, đã từng có bạn nào bị vợ mình bắt lựa chọn, anh chọn bệnh viện hay em? Đã có bạn nào nhận được một tin nhắn sau cả ngày làm việc vất vả “Anh bao giờ mới về? Anh ở bệnh viện chăm sóc người nhà bệnh nhân à mà còn chưa vác xác về?”
Bạn còn nhớ vụ tai nạn lật xe ở Lào Cai năm ngoái chứ, trong khi các bạn nằm trong chăn chẳng muốn thò đầu ra thì chính “những thằng bác sỹ” như chúng tôi phải bất chấp nguy hiểm mà lên đó giải cứu người bị nạn.
Nếu các bạn nhìn thấy giọt nước mắt và cái níu tay của những người vợ trong hoàn cảnh đó, nếu các bạn nghe tới thắc mắc ngô nghê của con tôi “Bao giờ papa mới có ngày nghỉ cuối tuần để chơi với con” thì có lẽ các bạn không còn ác cảm với bác sỹ chúng tôi nữa đâu nhỉ???
Tôi viết ra những dòng này không phải để biện bạch cho bản thân không phải để giải thích với các bạn. Mà tôi viết ra chỉ để các bạn hiểu rõ hơn về chúng tôi, hãy đồng cảm chia sẻ và bớt khắt khe vơi chúng tôi hơn.
Sự tin tưởng của các bạn chính là động lực để chúng tôi phấn đấu mỗi ngày. Ai cũng mong mình được ghi nhận, các bạn như vậy và tôi cũng như vậy. Nếu sau khi đọc xong những gì tôi viết mà vẫn muốn nói xấu bác sỹ thì nói nhỏ với nhau thôi nhé, chứ để chúng tôi nghe tiếng chúng tôi thực sự rất buồn. Tôi tin thời gian và cuộc đời phía trước chính là câu trả lời xác đáng nhất cho các bạn và cho chính bản thân tôi.
Nguồn: VTC News
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment