Bệnh đái tháo đường khi mang thai đang ngày càng gia tăng gây nhiều nguy cơ xấu đến sức khoẻ người mẹ và thai nhi. Tuy nhiên nếu kiểm soát tốt đường huyết, ăn đủ chất dinh dưỡng và duy trì được cân nặng phù hợp, những bà mẹ bị đái tháo đường trong thai kỳ đều có thể sinh con khỏe mạnh.


Ai dễ mắc đái tháo đường thai kỳ?

Những người có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ là người bị béo phì, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, bị rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường thai kỳ trước đó, mắc hội chứng buồng trứng đa nang, tiền sử sinh con to, đa ối, có đường trong nước tiểu.
Ngoài ra, những người bị thai lưu nhiều lần, thai dị tật, con to hoặc ở những người có lối sống ít vận động, béo phì, tăng huyết áp cũng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường khi mang thai.

Những nguy cơ có thể xảy ra

Nếu không kiểm soát được đường huyết tốt, bệnh đái tháo đường có thể gây ra các nguy cơ sau: Đối với  mẹ có thể gây bệnh lý thận, tiền sản giật, đa ối, bệnh lý tim mạch, sinh khó, nguy cơ phải sinh mổ cao... Đối với con có thể gây sảy thai, thai chết trong bụng mà không rõ lý do, thai nhi của các bà mẹ được kiểm soát đường huyết kém có trọng lượng to so với tuổi thai hoặc ngược lại thai của một số bà mẹ bị đái tháo đường lâu, đã có biến chứng mạch máu thường bị kém phát triển trong tử cung, thai nhi dễ bị ngạt, vàng da nặng, có nguy cơ cao bị các dị tật bẩm sinh, có thể rất nặng. Các dị tật có thể gặp ở hệ thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy), hệ tiết niệu (teo thận, nang thận, hai niệu đạo), nhưng phổ biến nhất là các dị tật tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, đảo chỗ các mạch máu lớn)...
Con của những sản phụ không được kiểm soát đường huyết tốt có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp do phổi chưa phát triển hoàn chỉnh, bệnh thường nặng và có thể gây tử vong nếu không được điều trị tích cực kịp thời. Ngoài ra trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường huyết trong vòng 48 giờ đầu sau đẻ, đường huyết có khi thấp dưới 1,7 mmol/l. Nguyên nhân là do tình trạng tăng insulin máu vẫn còn tồn tại sau đẻ. Hạ đường huyết có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật. Một số rối loạn khác là hạ canxi máu, tăng bilirubin máu (gây vàng da), ăn kém.

Trước những biến cố có thể xảy ra tới sức khoẻ của cả mẹ và con, tất cả các bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ cần được điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian mang thai. Bên cạnh đó, thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai để có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.

Làm thế nào để kiểm soát đường huyết tốt?

Thai phụ bị đái tháo đường cần thực hiện tốt các biện pháp dưới đây:
Theo dõi đường huyết chặt chẽ: Các bà mẹ cần kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết nhiều lần trong ngày theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, nên ghi lại chỉ số đường huyết, vận động thể lực, chế độ dinh dưỡng vào một cuốn sổ ghi chép hàng ngày giúp theo dõi quá trình điều trị và có biện pháp điều chỉnh thích hợp.
Về ăn uống: Thai phụ nên ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. Ngoài ăn 3 bữa chính cần ăn thêm 1-2 bữa ăn phụ. Thực phẩm chính cần ăn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ, sữa chua, sữa không béo, không đường. Nên ăn thực phẩm ít gây tăng đường như: gạo lức, đậu đỗ, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt... Giảm ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như thịt nguội, mì gói, chao, đồ hộp... Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: da, lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng (gan, tim, thận). Không uống rượu, bia, nước ngọt, cà phê, chè đặc, nước ép trái cây ngọt.
Về vận động: Tập thể dục không những giúp thai phụ chuẩn bị cho cuộc sinh nở sắp tới được thành công, nhanh chóng, nhẹ nhàng, tăng khả năng chịu đựng mà nó còn giúp họ quản lý được cân nặng của mình. Tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nữ hộ sinh trước khi lựa chọn hình thức tập. Tùy thuộc từng cá nhân mà chọn cho mình hình thức vận động hợp lý. Thông thường với thai phụ có thể đi bộ, đây là hoạt động rất tốt cho phụ nữ mang thai. Không nên cố gắng đi bộ khi cơ thể đã mệt mỏi và có thể nghỉ ngơi bất cứ lúc nào mình muốn. Hỗ trợ tim mạch tốt nhất cho phụ nữ mang thai. Vận động hợp lý giúp hệ cơ bắp săn chắc, tử cung được co bóp nhanh và dễ dàng hơn, đốt cháy calo, kiểm soát tốt trọng lượng của bản thân, giảm nguy cơ táo bón, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ đái tháo đường và tiền sản giật.
Đi bộ nhẹ nhàng hoặc hơi nhanh cần tuân thủ nguyên tắc vừa sức, tránh thở dốc, chọn đoạn đường bằng phẳng. Thông báo cho bác sĩ theo dõi thai kỳ biết về chế độ tập luyện của mình. Giảm thiểu xác suất bệnh tiểu đường thai kỳ, viêm tĩnh mạch chân, tăng huyết  áp và bệnh trĩ. Củng cố cơ cột sống giúp hỗ trợ duy trì tư thế cần thiết trong thời gian mang thai. Đối với một số thai phụ biết bơi có thể bơi cũng là một giải pháp tốt nhằm giảm chứng đau lưng, cơ bắp vận động, các mạch máu được nước massage, thúc đẩy máu lưu thông tốt cho mẹ và con, phòng ngừa táo bón, phù chân. Giúp phổi khỏe, hít sâu tốt, điều chỉnh vị trí thai nhi để sinh dễ dàng. Giúp tiêu hao năng lượng thừa, phòng tránh tiền sản giật và đái tháo đường.
ThS. Nguyễn Quang (SKĐS)

0 comments Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
Cùng Học Y © 2016. All Rights Reserved. Powered by Cùng Học Y
Top