Kiên kéo thắng, dừng chiếc xích lô trước một toà nhà năm tầng, lộng lẫy. Người đàn bà vui vẻ rút ra một tờ mười ngàn mới tinh.
- Đây là mười ngàn. Chú không cần phải thối lại. Chỉ nhờ chú giúp tôi một việc: mang hai bao rác này ra vứt ở bãi rác cuối phố là xong…
Người đàn bà, dáng vẻ bà chủ toà biệt thự, trỏ tay vào hai bao rác to tướng đang nằm bên cạnh cột cửa ra vào.
- Được, bà yên tâm! Tôi sẽ làm theo lời bà!
Kiên nhấc hai bao rác lên, thấy có vẻ nặng. Anh chép miệng:
- Rác nhà giàu có khác!
Anh liếc mắt nhìn vào bên trong. Toàn sách, báo cũ lẫn với chai lo lỉnh kỉnh. Những cái này vứt đi thì người khác lại mong có mà xài. Bao người quanh năm chẳng đã bám vào bãi rác mà sống đó sao? Nghĩ vậy nên Kiên không đạp xe đến bãi rác cuối phố mà đạp thẳng về nhà mình. Anh tò mò, muốn khám phá hai bao “rác nhà giàu”. Những vỏ rượu ngoại đắt tiền, những sách báo chữ Anh, chữ Pháp còn mới tinh, vỏ lon bia, bao thuốc lá rỗng. Sách thì bán cho anh hàng sách cũ, đồ ve chai thì bán cho chị ve chai,… Nhưng còn cái gì đây? Kiên vừa rút ra từ trong đống đồ bỏ kia một chiếc áo… gấm. Áo may bằng thứ gấm đắt tiền, cắt theo lối trang phục cổ dành cho phụ nữ. Sao chiếc áo mới, đẹp như thế này lại nằm trong đống phế thải? Kiên vội xổ chiếc áo ra nhìn ngắm. Phía sau lưng chiếc áo rách một đường dài, chắc là bị móc vào đâu đó. Không ai chịu mặc áo gấm mà có dấu vá nhíp nên họ đã bỏ đi. Kiên mừng rơn! Há chẳng phải đã bao nhiêu năm rồi anh mơ có được một chiếc áo như thế đó sao? Ông trời đã để rơi vào tay anh một vật ngoài sức anh mong đợi. Kiên còn một mẹ già năm nay đã 80 tuổi; một con gái nhỏ học lớp bảy và một người vợ trẻ. Vợ Kiên suốt ngày lo bán hàng ở Chợ Nhỏ, tối mịt mới về nhà. Bà Hiên thì suốt ngày ra vào cái mái tranh nghèo, lụm cụm làm những việc vặt. Kiên biết mẹ mình không còn sống được bao lâu nữa nên muốn sắm cho mẹ một chiếc áo liệm để bà mặc lúc ra đi. Chẳng cần phải bằng gấm. Chỉ cần là áo dài phụ nữ bằng tơ lụa bình thường cũng quý rồi. Kiên đau xót nghĩ đến buổi thiếu thời của mẹ mình. Chắc chỉ được mấy năm ăn sung, mặc sướng rồi từ khi lấy chồng, chạy giặc, tản cư,… đời bà là một chuỗi hy sinh, vất vả, chìm nghỉm trong đói nghèo, thiếu thốn, có bao giờ được mặc một chiếc áo lành lặn hay áo màu tươi sáng đâu. Toàn là màu nâu, màu đen, màu cháo lòng,… cũng u ám, buồn nản như cuộc đời tăm tối của bà. Một đời sống tất tả vì chồng, vì con, vì gia đình bên chồng; nghèo đói, khổ đau, bất hạnh đổ xuống đầu, nặng oằn vai mà chẳng nghe bà thở than một tiếng. Lại còn cười nữa chứ. Những nụ cười an nhiên của bà có sức màu nhiệm làm yên lòng, vững tâm những người chung quanh. Họ thấy bà cười nên họ cũng cười, rốt cuộc việc nặng như chì cũng có cơ may hoá thành sợi bấc! Kiên quý mẹ mình ở cái đức trầm tĩnh, ôn hoà và tâm hồn mạnh mẽ của bà. Anh nhớ lại, lúc còn bé dại, anh đã từng giận bà một cách vô lý ấy vậy mà bà vẫn cứ cười. Đọc truyện Tàu, Kiên thấy có những vị tướng “nổi giận cành hông”, Kiên cũng giận mẹ mình với nỗi giận cành hông như thế. Mỗi lần anh giận mẹ, bên hông phải như có cái gì nổi lên cấn cái làm anh khó thở. Có lần Kiên giận mẹ chỉ vì mẹ không mua cho mình chiếc áo “tơi cá”để mang đi học những ngày mưa. Mùa đông ở Huế cứ kéo dài hết ngày này qua ngày khác, mưa đầy trời, tối đất thế mà Kiên phải bám riết chiếc tơi cũ rách nhiều chỗ, xuay thế nào mưa cũng hắt vào. Khổ nhất là khi qua cầu Bao Vinh để đến trường huyện. Gió cứ thổi từng đợt như muốn cuốn chú học trò bé nhỏ xuống lòng sông. Kiên xấu hổ với chúng bạn. Bọn chúng tên thì mang tơi đọt, thằng thì mặc áo vải dầu, chỉ có mình Kiên mang tơi cá là loại tơi bét nhất mà lại còn rách nát!
Kiên giận mẹ, nổi giận cành hông biến thành những giọt nước mắt tức tối. Cho đến một hôm, trống trường vừa tan thì trời đổ mưa như trút. Kiên mừng rỡ, liệng ngay chiếc tơi rách, choàng chiếc áo tơi mới vào người, bước vững chãi dưới mưa, cười ngỏn ngoẻn. Lúc ấy anh mới để ý đến mẹ mình. Bà Hiên đang che người bằng một tàu lá chuối. Tàu lá bị mưa gió xé rách nhiều chỗ, che bên này thì bên kia bị mưa tạt, nước mưa cứ quất vào mình bà, vào mặt làm bà vuốt không kịp. Kiên thương mẹ quá. Anh tháo chiếc tơi ra choàng lên mình mẹ; mẹ anh lại tháo ra khoác lên mình anh, hai mẹ con giằng co một hồi, cuối cùng thì cả hai đều ướt như chuột lột. Cuối cùng, Kiên ôm chiếc tơi, cầm tay mẹ, hai mẹ con cùng cười vang trên đường về mặc cho mưa gió tới tấp xối xả vào người.
Bố Kiên qua đời năm anh lên mười tuổi, để lại cho mẹ anh một gánh nặng: sáu đứa con với một gia sản hầu như chẳng còn gì vì bao nhiêu thứ đáng giá đã đội nón ra đi trong những ngày nằm bệnh của người chồng, người cha ham rượu chè, mê ca hát. Bố Kiên là một người tài hoa. Ông hát bội rất hay, thuộc nhiều tuồng tích nên rất được bạn bè ái mộ mời đi biểu diễn hết đám này đến đám nọ, quanh năm suốt tháng ít có lúc nào ở nhà được dài ngày. Ông chỉ chịu nằm nhà khi bác sĩ soi điện cho biết là ông bị bệnh phổi nặng. Vi trùng Koch đã tấn công đục nát hai buồng phổi của người nghệ sĩ nghiệp dư vừa nghiện rượu, vừa mê ca hát lại ham thói “sưu tầm” các cô đào tài sắc. Ông ta chỉ trở về với vợ khi chân không còn đi được nữa, khi giọng hát chuông vàng đã biến mất nhường chỗ cho những câu nói ngắt quãng, phều phào, nhọc mệt. Hồi đó bệnh lao phổi còn là một trong “tứ chứng nan y” không có thuốc chữa. Nhà nghèo, ăn uống thiếu bổ dưỡng, lại còn thiếu thuốc thì xem như chỉ còn chờ chết mà thôi. Mẹ Kiên đã bán đến món tư trang cuối cùng để chạy thuốc cho chồng nhưng xem ra chẳng có hi vọng gì. Những bát thuốc Đông y đắng nghét, những chiếc “kẹo cau” mà người ta cho là “bổ phổi” xem ra không vực người bệnh lên nổi. Đến lúc đó Kiên mới lần đầu cảm nhận được ánh mắt trìu mến của người bố dành cho mình. Thay vì được tẩm bổ bằng nước thịt bò ép hay nước cam tươi thì bố chỉ được ăn mỗi ngày hai bát cháo loãng và mấy cái…kẹo cau, thứ kẹo dành cho con nít. Có lần bố đã vẫy Kiên tới bên giường và chia cho Kiên một, hai chiếc kẹo với ánh mắt âu yếm. Cậu bé mười tuổi hồn nhiên nhận kẹo và ăn ngon lành; ngay cả người bố cũng không hề thắc mắc gì đến nỗi nguy hiểm của vi trùng lao truyền nhiễm. Người ta rắc vôi bột đầy gian phòng bố Kiên nằm, còn quét lên các tấm phên một màu trắng toát với lòng tin rằng vôi bột có thể giết chết vi trùng lao nhưng hình như đó chỉ là tin tưởng hão vì càng ngày bố Kiên càng yếu đi, lay lắt như ngọn đèn sắp tắt. Một bữa, ông ra hiệu cho mẹ Kiên vào ngồi bên giường bệnh. Ông đưa bàn tay khô héo ra nắm lấy tay vợ, mắt sáng lên, miệng phều phào hai tiếng:
- Hoàng… Hạc, Hoàng… Hạc.
Hiểu ý chồng, mẹ Kiên chạy nhanh vào buồng riêng, mở rương lấy ra một chiếc túi vải. Bà xổ cái túi vải, lấy ra một cặp sanh đoạn sửa lại mái tóc và ngồi “xếp bè he” dưới chân chồng, bắt đầu ca bài Nam Ai:
Tiếng ve rắn rỏi kêu sầu
Bên lầu Hoàng Hạc
Xưa quả phụ ngồi than
Chích bóng năm canh…
Bài này ông dạy cho bà từ hồi mới cưới. Đã vài ba lần bà hát cho ông đàn theo nhưng vì phải mưu sinh vất vả nên những cuộc đàn hát kiểu đó rồi cũng thưa dần, vả lại ông còn mải chạy theo “hoa lựu với hoa trà” nên ít khi bà được gõ sanh mà ca bài ‘Hoàng Hạc”. Sao hôm nay ông lại đòi nghe bài này? Điềm gì đây? Bà vừa hát vừa khóc. Ông nhìn trân mặt vợ. Đôi mắt nhọc mệt, bơ phờ như mọi ngày nay đang sáng lên, linh động, máu dồn lên đôi má ông như sức sống đang trở về. Từng lời ca – dù mếu máo – đang rót vào tai ông nguồn hưng phấn. Tuy nhiên, đó chỉ là ánh lửa bùng lên của ngọn đèn sắp tắt. Ông nghe hết bài ca thì cũng tắt thở luôn. Ông ra đi nhẹ nhàng, thanh thản trong tiếng hát của vợ.
Bạn bè xúm lại cử hành đám tang ông. Có người phúng một bức trượng viết bốn chữ: “Phong xuy Thái lĩnh”. Xưa nay họ vẫn tôn ông là ngọn núi Thái Sơn bởi ông có học lại tài hoa, hiểu biết nhiều và tính tình hào sảng. Bệnh lao đã như ngọn gió tấn công ngọn núi Thái Sơn. Làm sao núi có thể sập được! Ấy vậy mà cuối cùng ngọn Thái lĩnh đã đổ sập vì đêm ngày gió cứ thổi, từng chút, từng chút khiến đá cũng mỏi mòn. Bức trướng này viết trên một tấm lụa kim cương, mấy tháng sau mẹ Kiên không đốt đi mà thuê người nhuộm đen, may cho Kiên một chiếc áo dài đi học. Hồi đấy bọn trẻ con học trường Huyện đi học đều mặc áo dài đen bằng vải dù. Đứa nào sang thì mặc áo lương đen, ở ngoài Bắc gọi là áo “the thâm”. Lụa kim cương cũng là thứ hàng sang dệt bằng tơ, khi chưa nhuộm thì có từng ô nhỏ nổi lên sáng lấp lánh nên mới gọi là “Hàng kim cương”. Kiên rất tự hào với chiếc áo dài lụa đó vì chẳng thua sút gì chúng bạn. Hiển nhiên là bọn chúng làm sao biết xuất xứ của chiếc áo anh đang mặc trên người mang bốn chữ “Phong xuy Thái lĩnh”, một kỉ niệm của bố mình.
Bố Kiên ra đi để lại cho mẹ Kiên một gánh nặng oằn vai. Cũng may mấy chị Kiên trước đó đều đã lập gia đình, nhưng mẹ Kiên vẫn còn phải lo cho họ bằng cách lên xuống lao Thừa Phủ để lo bới xách vì chị nào cũng bị bắt lên, bắt xuống vì tội tham gia kháng chiến chống Tây. Ngay ông anh cả và đứa em gái út của Kiên cũng bị mật thám bắt bớ, tra tấn khiến mẹ Kiên phải nộp bao nhiêu đơn, mòn chân lên xuống Phủ Thừa, Phủ Doãn để xin tội cho con. Có nhiều lần Kiên đã theo mẹ đến những chỗ cửa quyền đó, hồi còn những thầy Đề, thầy Lục khăn đen áo dài, đơn từ công văn còn viết bằng chữ Nho. Tuy còn nhỏ nhưng Kiên đã thấy hết giá trị của mẹ mình. Người đàn bà quê mùa, ít học đó đã sống một cuộc đời mạnh mẽ, đã lo toan, cưu mang nào chồng, nào con, trải lòng ra với mọi người, chẳng phút giây nào lo nghĩ cho riêng mình. Vừa nuôi Kiên ăn học, vừa trầm bồ cho các con gái thiếu hụt, khó khăn, lại vừa lo đi nuôi tù, bới xách… Kiên không hiểu làm sao mẹ mình lại có thể giải quyết được những việc đó khi gia tài của chồng để lại chỉ là căn nhà tranh một gian hai chái và một mảnh vườn một sào chỉ với vỏn vẹn…6 cây ổi! Đó là thứ ổi Tàu quanh năm ra trái. Mỗi sáng mẹ Kiên hái đầy một rổ ổi tươi rói mang lên bán ở chợ Đồn. Từ đó bà đổi thành gạo, thành cá và sách vở, giấy bút cho Kiên. Chỗ đất thừa, bà trồng đủ thứ. Do tài tính toán sắp đặt khéo léo mà mùa nào thức nấy, bắp, đậu , khoai, sắn, rau, cà, bí, mướp… chẳng thiếu thứ gì. Mùa hè Kiên thường được ăn chè đậu Ngự, mùa đông thì rúc vô chăn nhá bắp rang. Đó là bắp mà mẹ Kiên gieo trong mảnh vườn nhà mình. Mẹ Kiên lại có tài tiên liệu. Nếu không may có việc gì bất trắc xảy ra, bà đều bình tĩnh thu xếp một cách êm đẹp như đã tiên đoán từ trước. Không hiểu bà nhịn ăn, nhịn mặc từ lúc nào, mà khi cần đến bà lại moi trong lưng quần ra một gói nhỏ, lôi trong đó ra những tờ bạc nhăn nheo do bà ky cóp để dành. Bà vuốt vuốt cho thẳng những tờ bạc sẽ biến thành phương tiện giải quyết những khó khăn và trên môi lại nở nụ cười tươi như chẳng có gì to chuyện.
Kiên vẫn tự trách mình là lo làm ăn mãi mà không sắm nổi cho mẹ một tấm áo liệm cho đàng hoàng để bà mặc lúc ra đi, về với ông bà. Cho nên anh rất vui khi tình cờ gặp được chiếc áo gấm trong “bọc rác nhà giàu”. Anh đã thuê người ta mạng lại đường rách sau lưng áo và đem khoe với mẹ. Mẹ Kiên mân mê chiếc áo gấm và khen là đẹp. Kiên nói lên ý nghĩ đó là chiếc áo liệm và giao cho mẹ giữ.
Rồi cái ngày đó cũng đến. Kiên tính là tự tay mình sẽ mặc chiếc áo gấm cho mẹ. Nhưng đến giờ liệm xác, anh lục tìm khắp các rương hòm mà chẳng thấy chiếc áo nơi đâu. Cuối cùng lòi ra một bức thư:
Kiên con.
Thư này mẹ đọc cho bé Quyên viết. Mẹ cám ơn con đã thương mẹ, muốn cho mẹ mặc áo đẹp mà ra đi, nhưng cái dạo cháu Quyên sốt xuất huyết, nhà cạn tiền, mẹ đã bán cái áo gấm ấy cho bà Tư Hoàng lấy hai trăm bạc trả tiền thuốc cho cháu Quyên. Chính chiếc áo gấm đó đã cứu mạng cháu của mẹ. Thôi, chết rồi thì áo vải, áo gấm gì cũng giống nhau! Con lựa xem trong đống áo cũ của mẹ, chọn cái áo nào lành lành, đem giặt sạch đi cho mẹ mặc là được rồi…
- Mẹ ơi! Sao mẹ lại làm thế?
Kiên gục xuống bên xác mẹ mà lòng quặn lên. Anh nhớ tới chiếc áo kim cương ngày xưa. Mẹ anh đã không đốt bức trướng “Phong xuy Thái lĩnh” đi mà may cho anh chiếc áo mặc đi học. Đó là một quyết định rất thực tế vừa chan chứa tình yêu thương. Ít nhất việc làm đó cũng mang lại niềm vui nho nhỏ cho đứa bé thơ dại là Kiên ngày xưa. Và bây giờ, đem bán chiếc áo liệm của mình đi để cứu cháu qua thoát cơn bệnh ngặt nghèo, thì ra, suốt đời người đàn bà nhân hậu kia chỉ sống cho người, vì người…
Ôi…mẹ!
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment